18-12-2017

Thống kê của Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) chỉ ra rằng, đến năm 2016, tổng công suất thiết kế của ngành xi măng Việt Nam đạt gần 88 triệu tấn/năm. Nếu tính các dự án đang tiến hành đầu tư, dự kiến hoàn thành trong năm 2018, những nhà máy xi măng đầu tư cải tiến kỹ thuật, công nghệ năng lực sản xuất thực tế đến năm 2020 có thể lên đến 120-130 triệu tấn.

Trong khi đó, dự báo tiêu thụ xi măng trong nước đến năm 2020 vào khoảng 82 triệu tấn, nghĩa là sẽ dư thừa 36-47 triệu tấn. Số liệu của VNCA cũng ghi nhận, dự báo nhu cầu tiêu thụ trong nước từ nay đến năm 2020 mỗi năm tăng 5-6 triệu tấn và đến năm 2020 nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước khoảng 80-82 triệu tấn.

Được biết, cuối năm 2016 đã có thêm 6,8 triệu tấn xi măng từ 2 nhà máy mới là Nhà máy Xi măng Sông Lam giai đoạn I (công suất 4,5 triệu tấn) và Nhà máy Xi măng Long Sơn (công suất 2,3 triệu tấn) bổ sung vào tổng công suất ngành xi măng. Dự án Xi măng Thành Thắng (công suất 2,3 triệu tấn) cũng mới được đưa vào vận hành.Trong khi đó, còn 5 dự án đang xây dựng và sẽ đi vào hoạt động trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, bổ sung thêm nguồn cung 12,7 triệu tấn, nâng tổng công suất đến năm 2020 đạt mức 101 triệu tấn.

Một nguyên nhân khác khiến công suất ngành xi măng tăng cao so với nhu cầu tiêu thụ. Đó là do công suất trong quy hoạch đã bị lạc hậu. Theo cách tính trước đây thì để làm 1 tấn xi măng phải sản xuất 0,8 tấn clinker cộng với 0,2 tấn phụ gia (không thuộc công suất của lò). Nhưng thực tế hiện nay, do công nghệ được cải tiến nên để làm ra 1 tấn xi măng chỉ cần 0,6 tấn clinker và 0,4 tấn phụ gia. Công suất trong quy hoạch chính là công suất đối với sản phẩm clinker, vì thế khi cải tiến công nghệ thì công suất thực tế được nâng lên.

Trong xu thế hội nhập quốc tế, thị trường tiêu thụ sản phẩm luôn là cuộc cạnh tranh gay gắt. Khối ASEAN mở cửa thông thương. Giá xuất khẩu xi măng, clinker đã và đang xuống rất thấp, cùng với sự dư thừa công suất của xi măng Trung Quốc đã lên đến 600 – 700 triệu tấn, số dư thừa gấp 7 – 8 lần tổng công suất của Việt Nam hiện tại. Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và một số nước thi nhau hạ giá xuất khẩu, chiếm lĩnh thị phần làm cho giá xuất khẩu của Việt Nam liên tục giảm. Hiệp hội Xi măng Việt Nam đề xuất Chính phủ làm việc với các nước để giảm thuế nhập khẩu, thi hành hiệp định vận tải với một số nước châu Âu, nhằm hỗ trợ cước phí vận tải cho hàng vật liệu xuất khẩu…

Tuy nhiên, bên cạnh mong muốn có chính sách hỗ trợ tầm vĩ mô thì sự năng động, nỗ lực của bản thân mỗi doanh nghiệp sẽ đóng vai trò quyết định sự sống còn.

Theo Nguyễn Quang Cung – Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam

Diễn đàn doanh nghiệp

Nguồn: http://cafef.vn